Nội dung bài viết
Giới thiệu
Trong những bài trước mình có hướng dẫn các bạn cách tính toán thiết kế một cột lọc đa vật liệu, cách bố trí, tính toán vật liệu lọc và cách vận hành cột lọc này. Trong bài này, mình sẽ chia sẻ với các bạn một số sự cố mà mình đã gặp khi mình vận hành cột lọc đa vật liệu và cách xử lý sự cố, cũng như cách phòng tránh các sự cố này như thế nào.
Lỗi châm hóa chất không đúng
Lỗi thứ nhất mà mình thường thấy là châm hóa chất thừa hoặc thiếu. Lỗi này xảy ra do các nguyên nhân sau:
Tính toán không đúng dẫn đến châm hóa chất quá nhiều. Ví dụ mình từng vận hành ở một hệ thống, Polymer châm vào quá nhiều làm các hạt keo tụ trong nước không tạo bông lại được, SDI thì luôn cao hơn 5. Kết quả là lọc cartridge filter cứ nghẹt thường xuyên, cứ hai tuần phải thay một lần.
Để khắc tránh vấn đề này, các bạn nên dựa vào bản test nước đầu vào rồi chỉnh polymer ở mức thấp nhất rồi theo dõi kết quả SDI, rồi nhích tăng dần dần xem xu hướng SDI thế nào.
Hóa chất châm vào hệ thống không được khuấy trộn, do châm nguyên can từ dung dịch gốc, không pha loãng. Điều này có thể làm cho vật liệu lọc ở lớp trên bị vón cục do polymer dính trên lớp này. Vấn đề này có thể thấy khi các bạn rửa ngược, sẽ thấy anthracite dính chùm với nhau nổi lên. Để khắc phục hiện tượng này, chúng ta nên pha hóa chất ra, đừng châm nguyên dung dịch gốc. Trước đây mình châm polymer trước bơm, cứ nghĩ bơm sẽ khuấy trộn tốt nhưng mà vẫn xảy ra hiện tượng này.
Không tinh chỉnh lượng hóa chất châm vào hệ thống tương ứng với chất lượng nước hoặc do thiếu thiết bị đo cần thiết. Trong quá trình vận hành hệ thống lọc nước cấp, các bạn có kinh nghiệm sẽ thấy tính chất của nước đầu vào sẽ có thay đổi, cho dù đó là nước cấp của thành phố hay nước cấp của khu công nghiệp. Sự thay đổi nồng độ các chất trong nguồn nước đầu vào đòi hỏi các bạn phải thay đổi, tinh chỉnh lượng hóa chất đầu vào cho phù hợp. Ví dụ, các bạn kiểm tra hệ thống thấy Clo tăng lên thì mình điều chỉnh tăng NaHSO3.
Có nhiều hệ thống không có đầy đủ thiết bị đo gây khó cho người vận hành là do người quản lý chưa so sánh số tiền bỏ ra để mua thiết bị đo với số tiền hao phí khi màng lọc, tuổi thọ thiết bị giảm.
Lỗi rửa ngược không đúng
Lỗi thứ hai là rửa ngược không đúng. Khi rửa ngược không đúng thì gây ra các vấn đề sau:
Sự hình thành các kênh rỗng trong lớp vật liệu lọc. Bình thường khoảng cách giữa các hạt vật liệu lọc là từ 5 đến 20 micromet, các hạt cặn trong nước bị giữ ở các khoảng này. Tuy nhiên, do rửa ngược không đủ áp suất và lưu lượng để giãn nở vật liệu lọc hoặc là tần suất rửa ngược quá lâu. Sau một thời gian dòng nước đi qua, tạo thành các lối mòn có kích thước lớn như các kênh rỗng, các hạt cặn tự do đi theo dòng nước qua các kênh này nên hiệu quả lọc của lớp vật liệu không còn.
Thông thường chúng ta thường căn cứ vào độ chênh áp đầu vào và đầu ra của cột lọc để tiến hành rửa ngược, tuy nhiên khi sự cố này xảy ra, độ chênh áp đầu vào và đầu ra sẽ không tăng lên làm chúng ta lầm tưởng cột lọc đang hoạt động tốt. Nhưng sự thật là nước đi vô các kênh rỗng này nên không bị mất áp. Tốt nhất các bạn nên duy trì tần suất ít nhất là 1 tuần rửa ngược một lần, để tránh sự cố trên.
Hình bên trên là lưu lượng để rửa ngược cho cột lọc đa vật liệu. Để chắc ăn các bạn cứ tính lưu lượng rửa ngược gấp đôi lưu lượng lúc vận hành. Đối với cột lọc có từng loại vật vật liệu lọc đơn lẻ và đường kính cột lọc khác nhau thì lưu lượng đòi hỏi cho quá trình rửa ngược sẽ khác nhau. Ví dụ cột lọc mangan cát xanh thì có lưu lượng rửa ngược khác cột lọc filox. Anh em nào cần cái này thì để lại email bên dưới mình gửi cho nhé.
Để giải quyết sự cố khi lớp vật liệu lọc trong cột lọc đã tạo thành các kênh dẫn thì khi rửa ngược chúng ta phải kết hợp sục khí để đẩy lớp vật liệu lọc nở ra ra trong vòng 15-30 phút, rồi khi chúng lắng thì tự nhiên chúng sẽ phân lớp do khối lượng riêng của chúng khác nhau, với điều kiện là khoảng không bên trên phải đủ trống cho chúng giãn nở.
Khi làm điều này các bạn cũng phải cẩn thận mở van cấp nước rửa ngược và mở van khí từ từ, đừng mở quá nhanh. Khi bạn mở nhanh, lực quá lớn, tại một lúc chúng sẽ không phân phối đều khắp đáy của cột lọc. Khi lực đẩy từ dưới lên tập trung vào một điểm có thể gây nứt bể đầu thu nước, chúng sẽ đi một đường, làm cho sự xáo trộn không diễn ra đều. Khi đó, sỏi sẽ văng lên trên lớp trên mà mất đi tác dụng là lớp sỏi đỡ.
Mình có một kinh nghiệm đau thương cho vấn đề này là lúc mình làm tái sinh cho hạt nhựa cột trao đổi ion mixed bed, mình mở van khí quá nhanh và lớn. Khí và nước ập vào với lực lớn đã làm bể đầu thu nước bên dưới đáy cột trao đổi ion và hậu quả là khi rửa xuôi, hạt nhựa chảy ra đầy ở resin trap. Lúc đó phải tháo toàn bộ, lấy nhựa ra, mở nắp bồn, chui vô làm lại phần đầu thu nước của cột trao đổi ion.
Lỗi mất vật liệu lọc
Lỗi thứ ba là mất vật liệu lọc. Theo khuyến cáo thì cứ mỗi năm phải bổ sung 5% lượng vật liệu lọc vào cột lọc do các hạt vật liệu lọc bị vỡ ra và trôi ra ngoài khi tiến hành rửa ngược, như vậy là bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp do chụp lọc, đầu thu và phân phối nước bị nứt hoặc vỡ sẽ dẫn đến vật liệu lọc bị mất đi đáng kể. Để phát hiện vấn đề này sớm, khi thiết kế lắp đặt cột lọc, các bạn nên chọn cột lọc có mặt kính bên hông để quan sát. Trên đường ống rửa ngược nên có một đoạn ống trong suốt để quan sát, đánh giá, tránh mất vật liệu lọc.
Bên trên là những kinh nghiệm sự cố mình đã từng gặp khi vận hành cột lọc đa vật liệu. Hy vọng giúp được các bạn tránh đi vào vết xe đổ.
Các bạn có thể tham khảo khóa học vận hành tối ưu hệ thống xử lý nước siêu tinh khiết tại đây.
Tham khảo fanpage: https://www.facebook.com/helocnuocro để đọc các bài chia sẻ hay về kinh nghiệm lọc nước màng RO