Đối với nhiều anh em đã làm cột làm mềm nước thì chuẩn bị dung dịch để tái sinh cột làm mềm nước quá đơn giản, chỉ cần pha một thùng nước muối có tỉ lệ 10-15% và cài đặt thời gian cho van tự động, đến giờ thì van tự động mở và tái sinh cho cột làm mềm nước.
Tuy nhiên, để hiểu cặn kẽ, cơ sở tính toán, pha dung dịch tái sinh thế nào cho đúng, lượng muối nên là bao nhiêu, lượng nước nên là bao nhiêu cho hiệu quả thì không phải ai cũng biết. Hôm trước có bạn hỏi mình có biết bao nhiêu gram muối để tái sinh một lít hạt nhựa không? Mình không trả lời câu hỏi này vì bản thân câu hỏi chưa đúng lắm. Đó là lý do mình viết bài này để giải thích cặn kẽ hơn.
Tính tải lượng độ cứng hạt nhựa đã hấp phụ
Để tính được cần bao nhiêu muối cho quá trình tái sinh cột làm mềm nước thì cần phải biết cột làm mềm đã hấp thu bao nhiêu độ cứng (lượng ion canxi, magie,…) trong suôt thời gian nó chạy (giữa hai lần tái sinh).
Hoặc chúng ta cũng có thể tính lượng muối cho tái sinh dựa vào lượng ion tối đa mà cột làm mềm nước đã hấp thụ dựa vào khả năng hấp thu độ cứng của từng loại nhựa và lượng nhựa (cái này tính toán thiết kế sẽ có). Nhưng cách này sẽ không được ưu tiên vì con số này sẽ giảm theo thời gian, dễ dẫn đến muối bị dư, lãng phí.
Cơ sở tính toán để xác định lượng muối cần cho tái sinh
Xác định độ cứng mà cột làm mềm nước đã khử.
Ví dụ, độ cứng của nước là 200 mg/l (quy về grain CaCO3 là 11.6 grain per gallon bằng cách chia cho 17.2 – Tham khảo bài 54). Cột làm mềm nước chạy liên tục 20h với lưu lượng là 2000 l/h. Như vậy tổng thể tích nước đã làm mềm là 40 000 lít (2000 x 20), đổi ra gallon là 10 568 gallon (chia cho 3.785). Do đó tổng độ cứng mà cột làm mềm nước đã hấp thụ là 11.6 x 10 568 = 122 589 GPG .
Xác định lượng muối cần cho tái sinh.
Ta cần hiểu là trong quá trình hoàn nguyên hạt nhựa, một ion Na+ từ muối NaCl sẽ thay thế cho một ion gây nên độ cứng là Ca2+, Mg2+,… và theo tính toán hóa học thì 1 kg muối tái sẽ tái sinh được cho 7000 GPG độ cứng, như vậy là cần 122 586 / 7000 = 17.5 kg muối.
Chuẩn bị dung dịch
Chúng ta cần một dung dịch muối từ 10-15%. Nghĩa là 15 kg muối thì cần 100 lít nước. Với lượng muối 17.5 kg thì cần (17.5 x 100) /15 = 117 lít nước. Như vậy ta sẽ pha 15 kg muối vào 117 lít nước vào thùng dung dịch muối để tái sinh hạt nhựa.
Kết luận
Bên trên là cách tính toán để xác định lượng muối cần cho tái sinh dựa vào độ cứng của lượng nước đầu vô và thể tích lượng nước đã làm mềm giữa hai lần tái sinh.
Dĩ nhiên là để hiệu quả bạn cần phải có một cột làm mềm được thiết kế đúng (bài 54). Ngoài ra, bạn cũng cần phải thường xuyên đo độ cứng sau cột làm mềm để biết được bao lâu thì nó sẽ hết khả năng xử lý độ cứng (bài 56).
Trong bài sau mình sẽ hướng dẫn các bước tái sinh và ý nghĩa của từng bước.
Các bạn có thể thao khảo khóa học thiết kế hệ thống xử lý nước bằng phương pháp trao đổi ion tại đây.
Tham khảo fanpage: https://www.facebook.com/helocnuocro để đọc các bài chia sẻ hay về kinh nghiệm lọc nước màng RO