Hiện tại không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước châu Á, hầu hết các khu công nghiệp (hoặc khu sản xuất tập trung nào đó gần giống khu công nghiệp) đều được quy định phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung để thu nhận nước thải từ các nhà máy trước khi xả thải ra cống xả nước chung của khu công nghiệp.
Ban quản lý khu công nghiệp sẽ yêu cầu nước thải xả ra từ các nhà máy trong khu công nghiệp của mình phải đạt yêu cầu loại B QCVN40:2011 BTNMT trước khi thải về hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý. Để tuân thủ vấn đề này, mỗi nhà máy sản xuất trong khu công nghiệp sẽ có một hệ thống xử lý nước thải riêng của mình, để xử lý đảm bảo nước thải đầu ra đạt được yêu cầu của khu công nghiệp, nếu như không muốn bị khu công nghiệp phạt hoặc tăng phí xử lý nước thải.
Điều này nhìn về mặt quy định quản lý thì rất hợp lý và chặt chẽ. Tuy nhiên, dưới góc độ của người làm kỹ thuật mà mình quan sát được trong quá trình làm nhiều dự án tối ưu hệ thống xử lý nước thải tạp trung của các các khu công nghiệp, có một sự lãng phí rất lớn với cơ chế vận hành như hiện tại.
Về mặt kỹ thuật, với nước đầu vào đã đạt chuẩn B QCVN40:2011 BTNMT, hệ thống xử lý nước tập trung của khu công nghiệp chỉ cần công nghệ hiếu khí để xử lý được COD trong nước, đạt quy chuẩn xả thải ra nước mặt (nếu như nước thải đầu vào không có thêm các tác nhân gây ô nhiễm nặng nào khác ngoài COD, BOD, TN, TP). Tuy nhiên, quá trình tách nito khỏi nước thải sẽ không diễn ra hoàn toàn, do lúc này trong nước không đủ chất dinh dưỡng để nhóm vi sinh vật denitrification hoạt động.
Nguyên nhân của vấn đề này là tại hệ thống xử lý nước thải riêng của từng nhà máy họ đã cố gắng xử lý COD để đạt yêu cầu tiếp nhận của hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp. Theo đó, lượng COD có thể phân hủy sinh học (cũng có bạn gọi là BOD) còn lại trong nước thải không những thiếu mà còn khó phân hủy sinh học nên nhóm vi sinh vật denitrification đã không có đủ thức ăn để hoạt động. Đây chính là bước gây lãng phí nguồn cacbon.
Hiện tại, để khắc phục vấn đề trên, thì hầu như ở hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp đều có hệ thống châm chất dinh dưỡng bằng mật rỉ đường, ethanol,… để cung cấp nguồn cacbon cho vi sinh vật denitrification hoạt động. Và chi phí châm mật rỉ đường , ethanol,…chiếm một tỷ trọng không hề nhỏ trong vận hành một hệ thống xử lý nước thải.
Từ cách vận hành thực tế ở trên chúng ta có thể thấy việc lãng phí chi phí trong xử lý nước thải không những xảy ra ở từng nhà máy trong khu công nghiệp mà còn tại cả hệ thông xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp.
Giải pháp cho vấn đề này có thể thực hiện bằng cách khu công nghiệp cần rà soát lại các loại hình sản xuất nào trong khu công nghiệp có xả thải nguồn cacbon dễ phân hủy sinh học thì có thể tiếp nhận trực tiếp, không cần qua hệ thống xử lý nước thải riêng tại nhà máy đó. Các loại hình sản xuất này có thể nhưu là sản xuất thủy hải sản, ngành chế biến thịt hoặc thực phẩm, ngành mái đường, ngành bia hoặc nước uống không cồn,… Khi đó, doanh nghiệp có cái lợi là không cần tốn chi phí xử lý nước thải, ban quản lý khu công nghiệp cũng có cái lợi là giảm được chi phí cho mật rỉ đường, ethanol và có thể thu phí từ nhà máy do đã giúp họ xử lý nước thải.
Để hiểu hơn về giải pháp này, các bạn có thể liên hệ để được tư vấn:
- Senior engineer: Trương Tường Tân
- Phone: 0909 407 547
- Email: tuongtan3t77@gmail.com