Với vai trò là quản lý vận hành và bảo trì hệ thống xử lý nước, người quản lý phải nắm rõ các nguyên tắc làm việc an toàn và nhắc nhở anh em trong team mình tuân thủ các nguyên tắc an toàn này, để phòng và tránh các tai nạn lao động. Vì nếu sự cố tai nạn lao động xảy ra với bất kỳ ai trong team bạn, dù với bất kỳ lý do gì thì ít nhiều người quản lý luôn có một phần trách nhiệm trong đó. Có thể, lúc bạn nhắc nhở, anh em sẽ cảm thấy khó chịu, nhưng mình chắc rồi họ sẽ hiểu, vì đó là điều tốt cho họ và gia đình họ. Mình nghĩ, nếu anh em đã từng chứng kiến những tai nạn lao động trong nghề vận hành và bảo trì hệ thống xử lý nước như mình thì anh em sẽ hiểu ý nghĩa của điều mà bạn nói. Hoặc hãy gửi bài viết này đến anh em đọc để hiểu.
Trong bài viết này, mình không viết về các nguyên tắc an toàn vì mình biết, ở chỗ làm của các bạn chắc chắn có đào tạo về những nguyên tắc này. Trong bài viết này, mình sẽ đi kể về những lần mình thấy nhân viên mình bị tai nạn, những ký ức làm mình không bao giờ quên.
Năm 2012, trong một lần pha NaOH vào bồn dung dịch NaOH để châm vào hệ thống RO, nâng pH để xử lý CO2 trong nước, một bạn nhân viên của mình đã bị một mảnh NaOH văng vào mắt. Bạn này lúc làm rất tuân thủ các nguyên tắc an toàn, mang đầy đủ đồ bảo hộ ủng, găng tay hóa chất, tạp dề và kính bảo hộ. Lúc bản mở nắp bồn hóa chất thì nó cứng quá, bạn xoay không ra. Sau một hồi loay hoay thì bạn đổ mồ hôi, mồ hôi làm mờ kính bảo hộ của bạn. Thế là bạn tháo kính bảo hộ ra, sau đó bạn gõ nắp bồn để nó lỏng ra cho dễ xoay. Bục một phát, nắp hóa chất đã mở ra, tuy nhiên một mảnh NaOH khô bám trên kẽ của nắp bồn bất ngờ văng đúng vô mắt bạn. Mình dẫn bạn đi rửa mắt rồi lên phòng y tế nhưng mắt vẫn không mở ra được. Sau đó, mình chở bản đi bệnh viện. Rất may do rửa kịp thời nên mảnh NaOH chỉ ảnh hưởng đến phần giác mạc bên ngoài, hai ba ngày sau thì mắt bản trở lại bình thường. Tai nạn thường đến trong tích tắt như vậy đó các bạn.
Lần thứ hai là một lần kéo bơm chìm từ bể thu gom nước thải. Lần này có thể gọi là hụt chết. Mình và hai anh em khác hôm đó kế hoạch là đi làm bảo trì cho 3 cái bơm chìm Grundfos nặng 120 kg. Tụi mình làm ở nhà máy của Mỹ nên có các quy định an toàn rất cao. Tụi mình tuân thủ hết: Dây bảo hộ, găng tay, ủng, nón, giày bảo hộ… Lúc làm đến cái bơm thứ hai, móc ròng rọc và kéo nó lên gần đến nơi thì nó bị đứt xích. Lúc đó là lúc mình bước tới đứng nhìn, lúc mình đứng thì đạp lên sợi dây điện của bơm. Khi bơm rơi thì nó kéo theo sợi dây điện và giật chân mình trượt, rất may là lúc đó mình có móc dây an toàn vào thanh xà và không bị té vào hố bơm. Nếu té vào hố bơm, nguy cơ bị đập vào các ống thép dẫn nước thải và các thanh sắt đỡ là rất cao, mà lỡ có đập đầu vô đó thì giờ này chắc không còn ngồi đây viết những dòng này nữa.
Lần thứ ba là một tai nạn về điện, lần này mình thấy từ một anh em nhóm khác nhưng cứ làm mỗi lần mình mở tủ điện là thấy nổi da gà. Mình thấy người Việt mình rất giỏi, làm việc với điện sống (tủ có điện) là chuyện bình thường, nhưng người âu Mỹ họ rất kỵ việc này, đặc biệt là tủ điện động lực. Nếu lỡ có sự cố bắt buộc phải làm điện sống với tủ điện động lực thì phải đến giám đốc nhà máy ký duyệt mới được làm. Năm đó là lúc bảo trì hệ thống điện, có một bạn lúc tủ có điện mà lấy vít chọt vào tủ, không biết bạn chọt như thế nào mà hai pha mát với lửa chạm nhau thế là tủ bị nổ, lúc mình thấy thì tủ nổ cháy đen thui, cũng may mắn là bạn không bị sao. Nhưng đó là lời cảnh tỉnh để sau này mình làm với tủ động lực mình luôn nhắc anh em tắt CB trước khi thao tác trong tủ, dù có là sự cố gấp gáp gì đi nữa.
Lần thứ tư lại là một tai nạn về an toàn hóa chất. Một bạn trong nhóm của mình cũng có tuân thủ an toàn rất cao nhưng do bạn sử dụng đồ bảo hộ lao động không đúng nên để tai nạn xảy ra. Trong hệ thống xử lý nước thải thì có một bồn trung hòa pH. Cách trung hòa của bồn này là châm NaOH và HCl vào trước một cái bơm tuần hoàn rồi cứ chạy vòng vòng để trộn hóa chất vào nước trong bồn để trung hòa pH. NaOH và HCl được châm vào trước bơm là đậm đặc ở nồng độ 33% và 50%. Hôm đó cái bơm này bị lọt khí nên cứ chạy một hồi là con sensor bảo vệ chạy khô lại kích hoạt làm bơm tắt. Lúc đó, bạn vận hành mới quyết định là đi xả khí cho nó. Thì bạn cũng rất là tuân thủ, khi xả khí cho bơm bạn mang găng tay hóa chất và có cả mặt nạ phòng độc, kính bảo hộ. Lúc làm thì bạn thấy bình thường nhưng đến tối thì mắt bạn sưng lên, bạn bị sốt và phải nghỉ làm mấy ngày hôm sau. Sau khi xem xét lại mới phát hiện là mặt nạ bạn sử dụng có cột lọc để chống bụi chứ không lọc được hơi dung môi hóa chất. Bạn kể lại lúc bạn xả khí thì nghe hơi acid HCl. Bài học rút ra là khi các bạn sử dụng đồ bảo hộ, các bạn phải kiểm tra lại cho nó đúng loại nhé.
Rồi một tai nạn khác mà mình không bao giờ quên là một tai nạn nghiêm trọng trong team anh em của mình. Một tai nạn xảy ra vào ban đêm mà đến bây giờ người bị tai nạn vẫn chưa nhớ được là thật sự đêm đó đã xảy ra cái gì. Tối đó, có 2 anh em làm một công việc trên cao. Theo lời của bạn làm cùng nhưng không bị tai nạn thì tối đó hai anh em đứng lên càng nâng của xe nâng để đưa lên cao mở một đường ống, khi đường ống được mở ra thì bất ngờ dây treo bị rơi và đoạn ống rơi ra, đập vào anh đang đứng trên càng xe nâng và bị té xuống đất khoảng 4 m. Hậu quả là anh bị té mất trí nhớ và phải nằm viện trong vòng hai tháng. Lúc ra viện thì anh kể nguyên nhân sự cố là một câu chuyện khác nhưng do anh không chứng minh được nó logic với hiện trường nên người ta không tin anh. Mình tạm không nói tới nguyên nhân khác kia nhưng theo mình nguyên nhân chính của tai nạn là do cách làm việc của người Việt Nam mình ẩu quá, cứ tưởng là sáng tạo nhưng thật sự là tối tạo ngu dốt. Mình còn nhớ hoài cái đêm đó, lúc nửa đêm mình chạy vô nhà máy thì thấy bê bết máu. Ký ức không bao giờ quên trong cuộc đời đi làm ở nhà máy của mình.
Mình kể lại những ký ức của mình để mong những anh em nào làm trong nghề của tụi mình cẩn thận, tai nạn nó đến nhiều lúc chúng ta không thể ngờ được. Mong cho anh em mạnh khỏe, chân cứng đá mềm còn làm chỗ dựa cho vợ và con. Hãy nghĩ đến gia đình bạn nhé.
Trương Tường Tân